Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng: Dấu ấn báo chí Quảng Nam đương đại

Thứ ba - 21/06/2022 22:11
Lần đầu tiên Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức là vào mùa giải năm 2006 - 2007. Suốt hành trình hơn 15 năm ấy, giải được duy trì liên tục và uy tín ngày càng tăng, không chỉ tôn vinh các tác giả có tác phẩm đoạt giải mà còn lưu giữ câu chuyện kể về những bước phát triển của tỉnh và góp thêm tư liệu cho những ai muốn nghiên cứu báo chí Quảng Nam đương đại.
Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng: Dấu ấn báo chí Quảng Nam đương đại

“SÂN CHƠI” NGÀY CÀNG MỞ RỘNG

Bắt đầu từ năm 2006, Hội Nhà báo Quảng Nam (những người có công đầu khởi xướng là các nhà báo Lê Hoàng Linh, Đinh Văn Mãnh) đã làm hồ sơ đề xuất và được UBND tỉnh chuẩn y cho việc ra đời Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng. Tiêu chí về đề tài tác phẩm dự giải tất nhiên là ưu tiên viết về đất và người Quảng Nam, tuy nhiên không khu biệt tác giả ở địa phương nào, đăng trên tờ báo nào trong nước.

Sức hút với nhà báo

Chính vì “sân chơi” không cục bộ vậy nên ngay từ mùa đầu, xét chọn các tác phẩm đăng tải trong 2 năm 2006 - 2007, đã có nhiều tác phẩm và tác giả dự giải.

Nhân lên niềm vui của giải là sự lan tỏa ngày càng rộng rãi, với sự góp mặt đông đảo nhà báo chuyên và không chuyên, với các tác phẩm đăng tải trên các tờ báo có phạm vi phát hành trong cả nước, như Báo Tiền phong, Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, Thanh niên...

Suốt hành trình của giải, cơ quan chủ lực về báo in của tỉnh là Báo Quảng Nam luôn có tác phẩm tham gia và nhiều lần đoạt giải cao. Trong đó, ở mùa giải thứ 3 (2008 - 2009) có loạt bài “Quảng Nam - Đêm trước khoán 10” (Nguyễn Hữu Đổng - Phan Văn Phờ - Nguyễn Tam Mỹ - Huỳnh Phước Lê) đoạt giải Đặc biệt, sau đó tiếp tục đoạt Giải C, Giải báo chí quốc gia, là giải cao nhất của Báo Quảng Nam có được kể từ khi tái lập tỉnh đến thời điểm đó.

Hành trình 16 năm của Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng có thể phân chia nhiều giai đoạn với các bước ngoặt tăng cấp về quy mô, số lượng, chất lượng và giá trị giải thưởng.

Từ những mùa giải đầu tiên với chưa đầy 100 tác phẩm tham dự qua mỗi lần tổ chức; số lượng tác phẩm, tác giả và cơ quan báo chí hưởng ứng Giải thưởng hằng năm liên tục tăng.

Nhà báo Lê Văn Nhi - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, nhiều năm tham gia Ban tổ chức và Ban giám khảo cho biết: “Những năm gần đây, mỗi mùa giải có hơn 200 tác phẩm và hơn 30 cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh góp mặt; riêng mùa giải lần thứ 16 (2021 - 2022), có 224 tác phẩm của 157 tác giả, từ gần 40 cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh gửi tham dự ở cả 5 loại hình: báo in, báo hình, báo nói, báo ảnh và báo điện tử”.

Năm 2015 được xem là bản lề ghi dấu chuyển động lớn của Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng. Bởi ở 9 mùa trước đó, mỗi kỳ chỉ có 21 - 27 tác phẩm được trao giải. Từ lần thứ 10 (2015 - 2016) trở về sau, mỗi mùa có 41 - 44 tác phẩm được trao thưởng.

Không chỉ số lượng trao thưởng tăng lên nhiều mà “giá trị hiện kim” kèm theo ở mùa giải thứ 10 cũng khá hơn, với mỗi giải Nhất tăng từ 4 triệu đồng lên 10 triệu đồng. Quan trọng là thay đổi cơ cấu giải với sự mở rộng, có thêm báo điện tử và chuyên biệt hóa các thể loại báo chí.

Chẳng hạn, loại hình báo viết/báo in được tách bạch chuyên sâu thể loại với giải ký báo chí khác với giải bài phản ánh, tường thuật, bình luận, chuyên luận; còn báo hình có giải phim tài liệu, phóng sự truyền hình khác với giải dành cho thể loại tin, phóng sự ngắn, tọa đàm trực tuyến.

Chính nhờ tách bạch chuyên biệt thể loại mà việc đánh giá chất lượng tác phẩm sát thực hơn về mức độ đầu tư công phu của tác giả, cũng như xem xét sự lan tỏa khác nhau.

Ngày càng mở rộng

Từ lần thứ 16 (2020 - 2021), giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng có bước “nhảy vọt” đáng kể về cơ cấu giải thưởng, với tổng cộng 60 tác phẩm được trao thưởng, “giá trị hiện kim” cũng tăng lên (Nhất - 15 triệu đồng, Nhì - 10 triệu đồng, Ba - 8 triệu đồng). Báo in/báo viết luôn chiếm số lượng áp đảo mỗi mùa giải, có năm hơn một nửa tổng số tác phẩm tham gia.

Bên cạnh Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng, qua các năm còn có các giải chuyên đề được trao cho các tác phẩm viết về Bảo hiểm xã hội, Tam nông, Khởi nghiệp sáng tạo, Sâm Ngọc Linh và dược liệu, Chuyển đổi số và cải cách hành chính, Bảo vệ rừng và thích ứng biến đổi khí hậu…

Để khách quan trong đánh giá về tầm vóc Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng, xin được dẫn ý kiến của nhà báo Hồ Tấn Vũ (Báo Tuổi Trẻ) - người nhiều năm tham gia “sân chơi” này: “Một giải thưởng báo chí cấp tỉnh mà thu hút số lượng các báo ở khu vực, thậm chí là báo chí cả nước có đại diện ở miền Trung tham dự, với số lượng lớn, đủ thấy quy mô của giải.

Một giải thưởng mà các nhà báo đều háo hức tham dự và vinh dự khi đứng lên nhận giải thưởng, cũng đủ cảm nhận được tầm vóc của giải. Phải nói rằng ít giải báo chí nào trong khu vực, thậm chí giải thưởng của các ngành, đơn vị... thu hút đông đảo các nhà báo tham gia như vậy.

Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng là sân chơi để các nhà báo thể hiện sự dấn thân, yêu nghề, công tác nghiệp vụ thể hiện qua từng tác phẩm, từng bài viết được Ban tổ chức, Ban giám khảo đánh giá một cách minh bạch, công bằng.

Điều ấn tượng và thu hút đông đảo phóng viên tham gia nữa là sân chơi này không phân biệt giữa các báo. Không có sự ưu ái giữa “báo nhà” và “báo bạn”, báo trong tỉnh và báo ở các địa phương khác tham gia, yếu tố này tạo sự cạnh tranh khốc liệt và vì vậy chất lượng của giải sẽ rất cao”.

Tác giả: Huỳnh Minh Trí

Nguồn tin: baoquangnam.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

1
Liên kết
documentContent?dDocName=PORTAL072379
 
documentContent?dDocName=PORTAL311564
 
documentContent?dDocName=PORTAL323714

documentContent?dDocName=PORTAL338241
documentContent?dDocName=PORTAL072401






Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay1,005
  • Tháng hiện tại11,923
  • Tổng lượt truy cập2,795,429
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây